Những món ăn cần phải có trong mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc

Tết Nguyên Đán là khởi đầu của một năm mới, là bắt đầu mới cho tất cả mọi công việc. Ngoài ra, tết còn là dịp đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Vì thế, gia đình dù có khó khăn, người ta vẫn không thể qua loa việc chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho năm mới đầy đủ, ấm no và hạnh phúc. Tết đã gần đến rồi, cùng monanngon.vn khám phá những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của người miền Bắc nhé!

1. Bánh chưng – Biết ơn cha ông và đất trời

Mỗi khi tết đến xuân về, người Việt, dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng dân tộc, là cảm giác háo hức thời thơ bé ngồi canh nồi bánh chưng ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình sum họp ấm áp trong những ngày đầu năm mới.

Chính vì thế, trong mâm cỗ ngày Tết của người miền bắc sẽ không thể thiếu món ăn này. Bánh tượng trưng cho mặt đất, được dùng để thể hiện lòng biết ơn của hoàng tử Lang Liêu với Vua Hùng đời thứ 16 và đất trời. Chính vì vậy bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, chiếc bánh chưng xanh còn gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của con người: nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín… là màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi an vui xóm làng.

Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, và là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn…

Bánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo, gạo ngâm đãi thật kỹ, đậu xanh đồ vừa chín tới, thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, “chín rền” thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Khi vớt ra, bánh có màu sắc xanh dịu nhẹ của lá dong, có độ dẻo ngọt của nếp, vị thơm của đậu xanh, béo ngậy của thịt lợn, tất cả hòa quyện thành một món ăn vừa thơm ngon, vừa độc đáo. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với nước mắm thật ngon, thêm củ hành muối, củ cải dầm hay dưa góp sẽ càng đậm đà, khó quên.

Trong ngày tết cổ truyền hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thật là đẹp và ý nghĩa với tất cả chúng ta. Một cái tết sẽ không là chọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề và nhiều lo toàn nhưng 1 chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có.

2. Dưa hành – Món ngon ngày Tết

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” là đôi câu đối chỉnh chu mà vô cùng hợp lý về ngày Tết cổ truyền của ông bà ta xưa. Năm mới đến, ai cũng cầu mong sự đủ đầy, viên mãn: tâm hoan hỉ, thân sung túc. Vừa được ăn những món cầu kì hơn ngày thường, lại vừa được thưởng thức cái không khí nô nức, vui vầy của ngày xuân mới… thật đúng là như ý, hảo hợp biết bao.

Ngày nay, Tết đã khác xưa rất nhiều. Đôi câu đối được viết bằng mực tàu giấy đỏ cũng đã trở thành “cố nhân”, lặng lẽ lùi vào xa vãng. Chỉ có những mâm cỗ Tết của người Việt là vẫn lưu luyến nét xưa.

Vẫn là bánh chưng xanh, đĩa xôi gấc đỏ, một bát thịt đông, một bát canh mọc hay canh bóng thả, đĩa thịt gà, đĩa cá kho và bát hành muối xinh xinh, trắng muốt khiến người ta thèm thuồng. Với dưa muối hay cà pháo có thể ăn quanh năm, nhưng chỉ có dưa hành là phải đợi đến Tết mới được thưởng thức. Một phần là vì mùa vụ, nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa là vì sự cầu kì của món ăn tưởng chừng như đơn giản này.

Trên mâm cỗ, đĩa dưa hành thật khiêm tốn trong góc mâm, có lẽ cũng vì là món ăn rẻ tiền, nhưng nó lại cầu kỳ và được chờ đợi nhất. Dưa hành không cần ăn nhiều, chỉ cần điểm xuyết nhưng nhờ nó mà người thưởng thức thấy ngon miệng trong suốt những ngày Tết. Cũng có khi khách đến bất chợt, chủ nhà chẳng kịp dọn gì, chỉ có vài món đơn sơ cùng chiếc bánh chưng xanh, đĩa dưa hành. Lúc này, dưa hành vừa là một thứ gia vị đồng thời là một món ăn chính. Vị chua và mặn của nó lan tỏa vào vị giác khiến thực khách cũng phải gật gù. Dưa hành là món ăn bình dị, dân dã nhưng vô cùng độc đáo từ công đoạn lên men đến cách thưởng thức, ý nghĩa của cổ truyền mà theo y học nó còn là gia vị giúp người ăn tiêu hóa tốt và thấy ngon miệng hơn sau khi dùng những món giàu chất đạm.

Ngày Tết, nào nem, nào chả, nào thịt đông khiến người ta dễ thấy ngán. Bởi vậy, dưa hành trở thành món “chống ngán” hiệu quả và luôn “đắt hàng”. Đã thế, hành muối còn hỗ trợ tiêu hóa, giúp cho bụng dạ khỏi ấm ách, đầy hơi trong mấy ngày Tết.

3. Xối gấc – May nắn hạnh phúc.

Theo quan niệm lâu đời của người Việt Nam, màu đỏ là màu mang lại may mắn cho mọi người, mọi nhà. Chính vì lẽ đó mà Tết của người Việt luôn tràn ngập sắc đỏ rực rỡ. Món ăn cũng không phải là ngoại lệ, điển hình là món xôi gấc. Một đĩa xôi gấc được đơm chỉnh chu, cân đối, đầy đặn trên mâm cúng ông bà tổ tiên ngày Tết không những tạo ra sự dung hòa và thuận lợi cho năm mới mà còn gửi gắm những giá trị tinh thần của ngày tết truyền thống của dân tộc .

Trong Nam hay dùng xôi đậu xanh, nhưng ngoài bắc hay dùng xôi gấc, một món ăn góp phần trong mâm cỗ ngày Tết thêm phần đặc sắc và thú vị. Xôi gấc được nấu chính yếu là từ gạo nếp ngon, được trộn thêm với gấc tươi, nước cốt dừa rồi cho vào nồi để hấp. Quá trình đun xôi hoàn tất, xôi khi chín sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp và hấp dẫn. Ăn xôi gấc vào, bạn sẽ cảm nhận được cái vị dẻo của gạo nếp, vị béo của nước cốt dừa cùng chút vị ngọt nhẹ của đường.

Đọc thêm: Cách làm nem chua – Món ngon ngày tết

4. Giò chả –  biểu tượng của trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà

Mặc dù có sự khác nhau trong cách làm của từng miền, nhưng giò chả thường được làm từ thịt được giã mịn hòa cùng với gia vị rồi gói trong lớp lá chuối dân dã, xanh mướt, đem luộc cho chín.

Đây là món ăn không thể thiếu trong mọi mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Bắc. Ông cha ta quan niệm rằng miếng giò tượng trưng cho sự phú quý và giàu sang. Một miếng giò hòa quyện cùng nước mắm nhĩ điểm thêm miếng dưa hành là những hương vị truyền thống khó quên trong dịp Tết Nguyên đán.

5. Thịt đông – May mắn cả năm

Vào những ngày đầu năm mới, miền Bắc vẫn còn ở trong bầu không khí lành lạnh. Lúc này, người ta thường làm món thịt nấu đông – một món ăn truyền thống của người miền Bắc trong dịp Tết đến xuân về. Món ăn có hình dạng lạ mắt, những miếng thịt và mộc nhĩ chìm nổi trong lớp nước kho đã đông đặc. Hình dạng bên ngoài tựa một quả cầu tuyết đẹp đẽ. Khi ăn, bạn còn cảm nhận được cảm giác mát lạnh, mùi thơm của tiêu và vị beo béo kích thích vị giác của mình.

Sở dĩ món thịt nấu đông được làm trong ngày Tết cũng vì vậy. Cái rét bên ngoài làm món ăn trở nên dễ đông và bảo quản được lâu hơn (trong trường hợp không có tủ lạnh). Đồng thời, việc nhâm nhi một chút rượu ấm nóng, 1 miếng thịt đông thanh mát và dưa chua, hoặc củ hành muối thì còn gì ngon miệng bằng.

6. Nem rán – Món ngon ngày Tết

Đôi khi những người đi xa thèm một chút dư âm ngày Tết, tìm về cố hương chỉ để được ăn bánh chưng với món dưa hành chua chua, mằn mặn. Chỉ thế đã đủ để cảm nhận hương vị quê nhà. Chỉ thế thôi đã thấy đậm đà tình quê hương, đơn sơ mà bền chặt, gắn bó.

Nhân nem truyền thống bao gồm củ cà rốt nạo nhỏ, nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên màu sắc cho món ăn, bên cạnh đó, người ta quan niệm màu sắc của cà rốt mang lại sự may mắn cho mọi người trong năm mới. Có người sử dụng su hào hay hành tây nhưng có gia đình lại thích dùng củ đậu bay nạo dài, vì đậu bay sau khi vắt hết nước đi sẽ không làm nhân ướt giống những nguyên liệu khác, tránh cho nem bị bục khi cuốn. Mộc nhĩ và nấm hương thái sợi nhỏ. Miến ngâm nước ấm cắt khúc, cỡ bằng đốt ngón tay. Giá đỗ giúp món nem bớt ngấy, rồi đến hành khô, hành lá, thêm chút mùi ta sẽ làm cho mùi vị món ăn hấp dẫn hơn.

Chỉ cần thêm chút xíu nước mắm vì bánh đa gói nem vốn đã mặn rồi, có thể thêm mì chính, thứ này tuy không khuyến khích dùng nhưng cho 1 chút sẽ giúp món nem có cảm giác hài hòa hơn. 

Chúng ta vừa điểm qua một số món ăn cần phải có trong mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Bắc. Tết không chỉ là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính, gia đình sum vầy mà còn là khoảng thời gian để mọi người vui vẻ nghỉ ngơi sau một năm vất vả và ước nguyện cho năm mới vạn sự như ý. Hãy tạo nên một cái Tết ấm cúng, tuyệt vời trong năm nay bằng những món ngon nào.

>> Xem thêm:

Bài viết liên quan: