Những món mứt đơn giản cho ngày Tết nhà bạn

Mỗi khi nghĩ tới hương vị của Tết Nguyên Đán, bao đời nay người Việt có một thức quà vặt không thể thiếu đó chính là “mứt” cổ truyền. Nếu như “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì mứt Tết chẳng khác nào món khai vị cho mọi chuyến viếng thăm, chúc tụng trong dịp đầu năm mới.

Hiện nay, vì lo ngại trước vấn đề thực phẩm bẩn nên nhiều người có xu hướng tự làm mứt để dùng hay làm quà biếu bạn bè, người thân. Việc làm mứt rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Hiểu được điều đó, monanngon.vn sẽ mách bạn cách làm một số món mứt tại nhà cực dễ vừa đảm bảo vệ sinh vừa có dịp khoe tài bếp núc nhé!

1. Mứt dừa

Nguyên liệu 

  • Cùi dừa bánh tẻ (không quá non cũng không quá già): 1kg
  • Đường: 500 – 700g
  • Sữa Ông Thọ: 1/2 lon (có thể bổ sung nếu muốn)
  • Vani: 1 ống.
  • Ngoài ra có thể làm mứt dừa các vị: cà phê, lá dứa, củ dền, lá cẩm, tinh bột nghệ
Mứt dừa ngũ sắc

Thực hiện

Bước 1: Vỏ dừa khá cứng chắc, bạn nên nhờ người bán bổ dừa và tách cùi dừa ra giúp. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua dừa đã được bào sẵn ở những người bán đáng tin cậy để tiết kiệm thời gian.

Cùi dừa sau khi tách cần rửa sạch, để ráo, dùng dao hai lưỡi bào sạch lớp vỏ màu nâu bên ngoài. Với dừa không non không già (dừa bánh tẻ), bạn dùng dao hai lưỡi bào từng sợi cho đều. Bạn nên cố gắng bào sao cho sợi dừa dài để sau khi sên mứt dễ tạo hình trang trí. Với dừa non để làm mứt dẻo, bạn dùng dao thái sợi dừa có kích thước cỡ đầu to của cây đũa để khi làm xong mứt không quá mềm và khô.

Bước 2: Dừa sau khi đã thái sợi, bạn rửa khoảng 3 – 4 nước cho hết dầu hoặc rửa cho đến khi nước trong. Nếu có thể, bạn nên rửa dừa bằng nước nóng khoảng 50 – 60°C nhiều lần cho nhanh hết dầu. Rải sợi dừa ra rổ lớn và hong khô tự nhiên, nhớ che đậy cẩn thận nhằm tránh ruồi, kiến… xâm phạm. Nếu muốn sợi dừa mau khô, bạn có thể dùng quạt để hong.

Bước 3: Khi sợi dừa khô, bạn trộn dừa với đường, sữa đặc (có thể bỏ thêm một số vị nguyên liệu khác để tạo màu sắc cho món mứt) và đậy cẩn thận. Chờ khoảng 2 – 3 giờ để đường chảy ra, thấm vào dừa hoặc khi sợi dừa chuyển từ đục sang trong là sên được.

Cách làm mứt dừa ngon là để mứt không bị cháy, bạn nên dùng chảo lớn, có đáy dày để sên mứt. Bạn đổ dừa đã ngâm với đường và sữa vào chảo, bắc lên bếp, nấu trên lửa vừa. Khi nấu nhớ canh chừng vào đảo thường xuyên để dừa không bị cháy. Chú ý đảo nhẹ tay để tránh làm sợi dừa gãy.

Bước 4: Khi hỗn hợp dừa sôi, bạn hạ nhỏ lửa, đảo nhẹ tay liên tục tránh để nồi mứt bị cháy. Nếu sơ ý làm dừa bị cháy, bạn nên đổ hỗn hợp dừa ra, cọ rửa chảo thật kỹ rồi mới sên tiếp. Sên cho đến khi thấy đường và sữa quẹo lại, bạn thêm vani vào để mứt thơm hơn. Khi sên mứt đến giai đoạn này, bạn cần đảo đều tay liên tục để các sợi dừa không dính lại với nhau và không bị cháy. Khi thấy đường kết tinh bám vào sợi dừa và đảo thấy nhẹ tay, bạn đảo thêm ít phút nữa cho dừa khô rồi tắt bếp. Đổ dừa ra mâm, rải đều ra cho mứt nhanh nguội.

Cách bảo quản

  • Nếu muốn dừa nhanh nguội và khô, bạn có thể hong trước quạt. Hãy đảm bảo dừa được hong khô để tránh chảy nước. Nếu dừa chảy nước, hãy sên lại.
  • Lưu ý là bạn không nên bỏ phần đường không bám vào mứt đi, hãy đổ chúng vào trong hũ thủy tinh hay túi nilông. Lượng đường này giúp hút ẩm rất hiệu quả. Bảo quản hũ/túi mứt dừa trong trong ngăn mát tủ lạnh để có thể dùng được lâu.
Thành quả sau khi chế biến mứt dừa

 2. Mứt gừng

Nguyên liệu làm Mứt gừng

  • Gừng tươi: 1kg
  • Chanh tươi: 1 quả
  • Đường trắng: 500g
  • Muối: 1 thìa to

Lưu ý: Khi chọn gừng tươi dùng để làm mứt bạn cần chọn gừng bánh tẻ (không quá non, không quá già). Bởi nếu gừng quá non khi làm mứt không có độ săn và độ đậm đà. Còn nếu gừng quá già có quá nhiều xơ, vị cay nồng ăn sẽ mất ngon. 

Các bước thực hiện làm mứt gừng

Bước 1: Làm sạch vỏ và thái gừng thành dạng miếng

Sau khi đã chọn được loại gừng tươi phù hợp bạn rửa sạch gừng, loại bỏ hết lớp đất còn dính vào lớp vỏ của củ gừng. Sau đó, dùng dao hoặc thìa cạo sạch lớp vỏ bên ngoài và cắt thành lát. Chú ý rằng không được cắt lát quá mỏng. 

Loại bỏ lớp vỏ ngoài của củ gừng tươi. Pha 1 thìa muối vào thau nước và cho gừng cắt lát vào ngâm. Sau khoảng 30 phút đổ gừng ra rổ, rửa lại nhiều lần bằng nước sạch.

Bước 2: Luộc gừng

Bạn đun một nồi nước to, sau đó chờ nước sôi rồi đổ gừng đã thái lát vào nồi. Sau đó vắt một quả chanh vào trong lúc luộc để giúp giảm bớt mùi nồng và vị cay của gừng, giúp gừng thêm vàng hơn. Bạn đợi cho gừng sôi được khoảng 5 phút rồi tắt bếp, chắt nước, vớt gừng ra rổ và rửa sạch gừng qua nước lạnh nhiều lần. Sau đó tiếp tục luộc gừng thêm từ 2 – 3 lần nữa.

Bước 3: Tẩm ướp gia vị

Bước kế tiếp là bạn ướp gừng với đường trắng tinh luyện theo tỉ lệ 2:1 (1kg gừng tươi sẽ được ướp với 0,5kg đường trắng). Tuy nhiên tùy theo khẩu vị mà bạn có thể thêm hoặc bớt lượng đường đi. Xóc đều cho gừng và đường ngấm vào nhau và để tầm 30 – 45 phút cho ngấm đều hơn. 

Bước 4: Sên mứt gừng

Đây là bước quan trọng nhất đòi hỏi sự kiên nhẫn và khéo léo. Bạn cho chảo chống dính lên bếp, nhớ là để chảo khô nước mới đổ gừng đã tẩm ướp vào chảo. Khi thấy gừng sủi thì vặn lửa cho nhỏ xuống và đảo đều tay. Khi thấy đường trắng kết tinh bám vào gừng thì nhanh tay bắc chảo xuống bếp.

Bước 5: Bảo quản mứt gừng

Để mứt gừng lâu bị hỏng thì khi mứt nguội bạn nên cho mứt gừng vào lọ thủy tinh hoặc túi nilon. Và đậy kín lại để tránh tiếp xúc với không khí là có thể sử dụng mứt gừng trong một thời gian dài.

Thành phẩm sau khi chế biến

3. Mứt cà rốt

Nguyên liệu

  • 1kg Cà rốt
  • 500g Đường trắng
  • 2 muỗng canh Vôi bột
  • 1 muỗng canh Phèn chua

Cách chế biến

Bước 1: Cà rốt bào vỏ, rửa sạch, cắt thành những miếng tròn hoặc vuông vừa ăn. Hòa vôi bột với 1,5 lít nước rồi lấy phần nước trong để ngâm cà rốt khoảng 30 phút. Vớt cà rốt ra rửa sạch lại với nước cho hết mùi vôi.

– Đặt nồi nước hòa phèn chua lên bếp để sôi, sau đó cho cà rốt vào chần khoảng 2 phút rồi đổ ra rửa lại với nước lạnh và để ráo nước.

Bước 2: Trộn cà rốt đã ngâm với đường, để yên khoảng 3-4 tiếng đồng hồ cho đường tan hết.

Bước 3: Khi đường tan hết, cho cà rốt lên chảo sên trên lửa vừa. Khi thấy mứt sôi để khoảng 5 phút, nước đường bắt đầu sánh thì vặn lửa ở mức độ nhỏ nhất. Lúc này đảo nhanh tay và đảo liên tục, khi thấy đường kết tinh, bám đều mặt miếng mứt. Đảo cho mứt cà rốt khô hẳn thì tắt bếp.

– Khi mứt thật nguội thì cho vào túi buộc chặt hoặc lọ thủy tinh đậy kín nắp dùng dần.

– Mứt cà rốt có thể bảo quản kín dùng dần lâu dài.

Thành phẩm mứt cà rốt

Trên đây là những loại mứt Tết có cách làm đơn giản nhất mà chúng mình đã tổng hợp được. Chúc các bạn thành công và có một cái Tết thật trọn vẹn và ấm áp bên gia đình!

>> Xem thêm:

Bài viết liên quan: