Những loại mứt không thể thiếu trong ngày Tết – phần 2

Mỗi khi Tết đến xuân về là dịp mà mọi người thân trong gia đình quây quần về với mâm cơm ấm áp cùng gia đình. Những món ăn truyền thống như dưa hành bánh tét luôn luôn là những món được các thành viên trong gia đình nhớ mãi. Cùng với đó là những món mứt Tết thơm ngon, khiến bao con người xa quê luôn trông ngóng. Và hôm nay, hãy cùng monanngon.vn khám phá thêm những loại mứt không thể thiếu trong ngày Tết nhé!

1. Mứt bí đao

Mứt bí đao cho ngày Tết

Nguyên liệu

  • Khoảng 2 quả bí đao già 10 kg
  •  Khoảng 8 lít nước vôi trong
  •  25 gram phèn chua
  •  1 chút nước hoa bưởi
  •  Phầm màu xanh
  •  Khoảng 4 đến 5kg đường trắng tuỳ sở thích

Cách chế biến

  • Bước 1: Sơ chế bí đao: bí đao dùng để làm mứt nên chọn quả già (còn gọi là bí giàn), bổ làm đôi, bỏ ruột và gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài. Rửa lại bí cho thật sạch, cắt bí thành từng miếng dài 5 – 7cm, đường kính bằng chiếc đũa.
  • Bước 2: Ngâm bí với phèn chua: cho phèn chua vào hoà cùng 2 lít nước. Bắc lên bếp đun sôi, đợi nước sôi được 2 phút để phèn chua được tan hết. Tắt bếp, đổ bí vào nước phèn. Đậy nắp nồi lại trong 3 phút (không được lâu hơn) để bí trong lại.
  • Bước 3: Sau khi ngâm bí đao với phèn chua, xả nước thật kĩ. Ngâm bí với đường: cho bí và đường vào âu, dùng đũa đảo nhẹ tay. Ngâm bí khoảng 5 – 6 tiếng (trong khi ngâm thỉnh thoảng xốc đảo bí cho ngấm đường đều).
  • Bước 4: Sên bí: đổ bí và đường vào nồi hay chảo sâu lòng, bắc lên bếp đun sôi, sau đó giảm nhỏ lửa và đun tiếp cho đến khi nước đường cạn dần. Chú ý, đun mức lửa thấp nhất, tránh không đun lửa to. Khi nước đường đã gần cạn thì phải liên tục xốc đảo đều để bí được áo đường đều và mỏng hơn. Cho nước hoa bưởi vào, đảo tiếp cho đến khi đường khô lại và bám đều quanh miếng bí .
  • Bước 5: Bảo quản và thường thức: để bí ra rổ thoáng, trải mứt bí phơi gió trong hai ngày để đường xung quanh bí được khô ráo hẳn và bí được trắng hơn. Khi phơi, nhớ đậy cẩn thận tránh ruồi muỗi. Sau khi khô hẳn, bỏ lọ kín bảo quản.
Thành quả sau quá trình chế biến

2. Mứt tắc (mứt quất)

Nguyên liệu

  • 500gam đường
  • 100gam mật ong
  • 20gam vôi tôi
  • 1 thìa nhỏ phèn chua

Cách chế biến

  • Bước 1:

Để có cách làm mứt trái cây tắc ngon quan trong là phần chọn nguyên liệu những quả tắc (quả quất, trái hạnh) phải phù hợp.

Với món mứt tắc thì bí quyết để có được món mứt tắc ngon chính là bước chọn quả tắc, tắc được chọn phải là những quả to đều, những quả đã già không được non hoặc chín quá. Để có màu mứt tắc đẹp thì bạn nên chọn những quả mứt có màu vàng đậm.

  • Bước 2:

Dùng dao sau đó khứa cạnh quả tắc thành 4 hoặc 5 cánh, tùy quả to nhỏ để điều chỉnh cho phù hợp không nên khứa nhỏ quá tắc sẽ bị nát. Bạn dùng tay bóp nhẹ 2 đầu quả tắc để nước ép của quả tắc và hạt rơi ra ngoài.

  • Bước 3:

Sau khi đã sơ chế xong phần tắc bạn chuyển sang bước tiếp theo của cách làm mứt trái cây là dùng 20gam vôi tôi hòa trong 100ml nước, sau đó bạn chờ cho tới khi nước vôi tôi lắng xuống lấy bỏ cặn. Cho tắc vào ngâm với nước vôi trong 4 tiếng. Sau đó vớt ra ngoài, bạn rửa lại sạch với nước để bỏ mùi hôi của vôi.

Chuẩn bị nồi to, cho nước và phèn chua lên đun sôi bạn cho quả tắc vào trần qua, vớt nhanh ra và rửa lại nước sạch một lần nữa.

  • Bước 4:

Tiếp theo bạn ướp tắc với đường và mật ong theo lượng đã chuẩn bị để có cách làm mứt trái cây ngon, ướp trong thời gian 30-60 phút là có thể cho lên xào mứt, cho nước ép quả tắc vào.

Bạn đặt nồi quả tắc ướp đun sôi với lửa vừa, bí quyết cách làm mứt trái cây ngon chính là khi xào bạn không nên dùng đũa đảo sẽ làm cho mứt tắc bị nát, bạn chỉ dùng tay cầm quay nghiêng qua nghiêng lại, cho tới khi nước tắc cạn hết, mứt tắc được chuyển màu vàng óng.

  • Bước 5:

Tắc sau khi sên được gắp từng miếng cho lên giá, cho mứt tắc đi sấy vào lò nướng hoặc hong khô ngoài trời nắng. Sau khi mứt tắc khô hẳn thì bạn có thể cho vào lọ thủy tinh và bảo quản.

3. Mứt khoai lang

Nguyên liệu

  • Khoai lang
  • Nước vôi trong
  • Vani
  • Đường cát trắng
  • Muối

Cách chế biến

Bước 1:

  • Pha muối với nước để tạo thành dung dịch muối loãng.
  • Pha vôi với nước theo tỷ lệ 1 lít nước pha với 20g vôi trắng, để qua đêm cho lắng hết vôi đi, lấy phần nước trong để ngâm khoai.
  • Khoai lang gọt sạch vỏ rồi thái thành những miếng dọc vừa ăn. Các bạn nhanh chóng ngâm các miếng khoai vừa gọt xong vào chậu nước muối loãng để tránh cho khoai bị thâm và sạch hết nhựa. Thời gian ngâm khoai kéo dài khoảng 25 – 30 phút, sau đó bạn vớt ra cho ráo nước.
  • Ngâm khoai với nước vôi trong đã pha sẵn khoảng 3 giờ rồi vớt ra, xả nhiều lần với nước cho thật sạch.

Bước 2:

  • Bắc một nồi nước lên bếp đun sôi, thả khoai lang vào đun sơ.
  • Vớt khoai lang ra rổ đồng thời xả nước lạnh cho khoai nguội bớt và giữ được độ giòn, sau đó để khoai thật ráo nước.
  • Bạn ướp khoai với đường theo tỷ lệ 1kg khoai lang – 500g đường. Để khoai chừng 5 – 6 tiếng cho đường tan hết, thỉnh thoảng bạn nhớ đảo đều khoai để đường ngấm dần vào khoai.
  • Cho khoai và nước đường vào chảo hoặc nồi. Ban đầu, do lượng nước khá nhiều nên bạn hãy đun trên ngọn lửa lớn cho nước nhanh cạn, thỉnh thoảng đảo nhẹ tay tránh làm khoai bị vỡ.
  • Khi nước đường bắt đầu keo lại, bạn nhìn sẽ thấy màu hơi óng ánh. Lúc này, bạn bắt đầu hạ nhiệt xuống mức thấp nhất và đảo khoai liên tục.
  • Thời gian sau đó, bạn sẽ thấy đường khô dần, khi đảo sẽ thấy hơi nặng tay.
  • Theo dõi đến khi đường kết tinh màu trắng bám vào khoai, bạn vẫn tiếp tục đảo đều tay để các miếng khoai tách riêng biệt không bị dính vào nhau. Đồng thời, cho vài giọt hoặc 1 ống vani vào chảo khoai, đảo thêm 1 phút nữa thì tắt bếp.
  • Đổ mứt khoai ra mâm cho thật nguội rồi cho vào lọ thủy tinh dùng dần.

4. Mứt xoài dẻo

Nguyên liệu

  • 4 trái xoài vừa chín tới
  • 4 trái xoài vẫn còn xanh và chỉ vừa mới ngả vàng
  • Đường trắng
  • Siro táo
  • Mạch nha

Cách chế biến

  • Bước 1: Ngâm xoài

Đối với loại mứt này thì bạn chọn xoài hơi xanh một chút vì nó sẽ có độ chua chua, giòn sần sật chứ không mềm quá. Bạn gọt vỏ và cắt thành từng miếng dài như khi chúng ta ăn xoài nhé.

Cứ khoảng 400gram xoài thì bạn ướp với 140gram đường trắng. Đây là lượng đường mà khi ướp xong thì xoài vẫn còn hơi chua chua chứ không ngọt quá. Nếu bạn thích ăn ngọt hơn thì cho nhiều đường hơn cũng không sao.

Thời gian ngâm đường ít nhất là 8 tiếng. Bạn ngâm và bọc plastic, bảo quản trong ngăn mát. Quan sát đến khi cảm thấy đường đã tan hết thành nước đường thì lúc đó bắt đầu sên xoài để làm thành mứt.

  • Bước 2: Sên mứt

Bạn trút phần nước đường trong phần xoài ngâm ra chảo, để lửa nhỏ và nấu cho đến khi đường chuyển thành màu nâu cánh gián thì cho xoài vào. Bạn sên xoài cho đến khi nước đường kẹo lại, miếng xoài cũng thấm đường trở nên dẻo như mứt thì tắt bếp.

Xoài đến đây là đã thành mứt, bạn có thể cho vào hũ thủy tinh, bảo quản trong ngăn mát và dùng dần được. Tuy nhiên nếu bạn không muốn mứt ướt quá thì có thể cho vào lò nướng hoặc lò vi sóng và sấy mứt xoài khô hơn cũng không sao.

Trên đây là một số cách làm mứt Tết cực kỳ đơn giản. Hãy nhanh tay ghi lại công thức để chuẩn bị cho Tết này một món ăn ngon, lạ miệng nào. Nếu bạn tự tin vào tay nghề của mình thì nhanh tay bắt lấy cơ hội này để có thêm nhu nhập nhé. Chúc các bạn một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý!

>> Tham khảo thêm: Những món mứt đơn giản cho ngày Tết nhà bạn

Bài viết liên quan: