Các thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh
Tủ lạnh là nơi lưu trữ thực phẩm quan trọng trong nhà, nhưng theo các chuyên gia, không phải thực phẩm nào cũng nên bảo quản trong tủ lạnh. Hãy cùng xem những loại thực phẩm sau để tránh bảo quản chúng trong tủ lạnh nhé.
Tủ lạnh là một trong những thiết bị tốt nhất dùng cho bảo quản rau quả thực phẩm với số lượng nhỏ của các gia đình. Nhiệt độ ngăn đá có thể đạt -18oC phù hợp cho bảo quản các loại thực phẩm đông lạnh như cá thịt; nhiệt độ ngăn lạnh từ 3 – 6oC thích hợp cho bảo quản nhiều loại rau quả thực thẩm.
Tuy nhiên, không phải bất cứ loại thực phẩm nào cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh. Tiến sĩ Lâm Văn Mân – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ – Viện An toàn thực phẩm cho biết:
Tiến sĩ Lâm Văn Mân – Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Chuyển giao công nghệ (Bên trái)
Cà phê, hành, tỏi, bánh mì KHÔNG NÊN để trong tủ lạnh
Lý do:
– Cà phê: Cà phê là chất có hương thơm bay hơi mạnh nên khi để trong tủ lạnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các sản phẩm khác do hấp phụ hương cà phê. Ngoài ra, cà phê (nhất là cà phê hoà tan) khi lấy ra khỏi tủ lạnh sẽ xảy ra hiện tượng bị hút ẩm rất nhanh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
– Hành, tỏi: Trong thương mại người ta bảo quản hành tỏi khô ở 0oC. Tuy nhiên, nhiệt độ của tủ lạnh chỉ từ 3 – 6oC không thích hợp cho bảo quản hành tỏi.
Bên cạnh đó, khi bảo quản hành tỏi trong tủ lạnh sẽ ảnh hưởng đến mùi của các thực phẩm khác. Nếu không có điều kiện bảo quản hành, tỏi ở 0oC thì nên cho hành, tỏi trong các núi nilon có đục lỗ và giữ trong điều kiện thoáng, tối ở 15 – 16oC độ ẩm 60– 70%. Với cách này có thể giữ hành, tỏi từ 3 – 5 tháng.
Nhiệt độ của tủ lạnh chỉ từ 3 – 6oC không thích hợp cho bảo quản hành tỏi (Ảnh: Internet)
– Bánh mì: Bánh mì không nên giữ trong tủ lạnh vì xảy ra hiện tượng mất nước làm cho bánh mỳ bị khô cứng, ngoài ra còn làm giảm hương vị cũng như độ tươi ngon của bánh mì. Bánh mì chỉ nên giữ ở 16- 20oC trong một, hai ngày.
Khoai tây, dầu ăn, rau thơm có thể giữ ở trong tủ lạnh
– Khoai tây: Bạn có thể bảo quản khoai tây trong tủ lạnh nhưng cần lưu ý với các giống khoai tây cho thu hoạch sớm (tháng 9, tháng 10) thì nên giữ ở 10oC thời gian được 3 – 4 tuần; với giống khoai tây thu hoạch muộn (tháng 12 đến tháng 1 tháng 2) có thể giữ ở 4 – 5oC trong 3 – 9 tháng.
Mỗi loại khoai tây có nhiệt độ bảo quản trong tủ lạnh riêng (Ảnh: Internet)
– Rượu: Tùy từng loại rượu mà đòi hỏi chế độ bảo quản khác nhau. Một số có thể bảo quản trong tủ lạnh một số khác thì không và các hãng rượu thường có chỉ dẫn cách bảo quản ghi trên bao bì.
– Dầu ăn: Dầu ăn (dầu thực vật) sẽ tuỳ nhiệt độ đông đặc của từng loại dầu mà có cách bảo quản phù hợp. Tuy nhiên vẫn có thể giữ dầu ăn trong tủ lạnh vì làm giảm hiện tượng oxy hoá dầu ăn (hiện tượng ôi hoá) giúp bảo quản dầu ăn lâu hơn. Một số loại dầu có nhiệt độ đông đặc cao như dầu dừa khoảng 25oC, dầu cọ khoảng 24oC, những loại dầu này khi cho vào tủ lạnh sẽ bị đông đặc tuy không ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng nhưng có thể gây khó khăn khi lấy dầu ra khỏi các dụng cụ chứa đựng.
– Rau thơm: Các loại rau thơm cũng có thể giữ trong tủ lạnh nhưng cần bao gói thích hợp.
Bảo quản rau quả cần chú ý điều kiện phù hợp
Cũng theo Tiến sĩ Lâm Văn Mân, thực phẩm muốn giữ được lâu cần có những điều kiện phù hợp cho từng loại rau quả. Trong bảo quản rau quả thường người ta chia chúng thành 4 nhóm như sau:
1. Các loại rau quả cần bảo quản ở nhiệt độ thấp và ẩm (0oC, độ ẩm 95%): cải bắp, súp lơ, khoai tây, cà rốt, nho, táo, lê.
2. Các loại rau quả cần bảo quản lạnh và ẩm (4 – 8oC, độ ẩm 90 – 95%): dưa chuột, dưa hấu, cà chua, hành lá.
3. Các loại ra quả cần bảo quản ở nhiệt độ thấp và khô (0oC, độ ẩm 65 – 70%): hành, tỏi
4. Các loại rau quả nên bảo quản ở nhiệt độ mát và khô (10 – 15oC, độ ẩm 60– 75%): bí ngô, khoai lang, chuối tiêu.
Ngoài vấn đề lựa chọn nhiệt độ và độ ẩm phù hợp thì một vấn đề cũng cần lưu ý khi bảo quản rau quả là phải giữ chúng trong điều kiện tối nhưng thông thoáng. Hầu hết các loại rau khi bảo quản nên giữ trong môi trường có độ ẩm cao, tuy nhiên, tránh hiện tượng đọng hơi nước vì như vậy rau sẽ nhanh chóng bị thối hỏng. Cũng cần phải lưu ý là rau quả sau thu hoạch vẫn là các thực thể sống chúng vẫn tiếp tục quá trình hô hấp và vẫn bị ảnh hưởng bởi các thay đổi của môi trường xung quanh. Một điều cũng cần hết sức chú ý là bảo quản rau, quả ở những khu riêng biệt bởi vì quả sinh ra rất nhiều ethylen là nguyên nhân gây già hoá rau và ngược lại quả cũng rất dễ bị hấp phụ mùi từ rau.
Vật liệu để bao gói rau quả có thể dùng túi nilon có đột lỗ, với túi có kích cỡ 20x30cm cần đột 15 – 20 lỗ, ngoài ra có thể dùng các hộp các tông, hay thùng gỗ kích thước thì tuỳ theo lượng rau quả cần bảo quản.
Nếu chọn lựa điều kiện bảo quản thích hợp cho từng loại rau củ quả thì có thể kéo dài thời gian sử dụng của chúng từ một hai tuần đến nhiều tháng.