Cách làm chè khúc bạch thơm ngon tại nhà
Chè khúc bạch là một món chè dễ ăn trong những ngày hè nóng nực. Món chè này được ăn cùng nhãn hoặc vải, hạnh nhân, hay đậu phộng… giòn giòn cùng phần thạch rau câu mát lạnh có độ dẻo, mịn và mềm, hương vị thanh mát, thơm mùi trái cây.
Để có thể nấu được một bát chè ngon tại nhà, chúng ta cần tuân thủ đúng công thức mà chúng tôi hướng dẫn nấu chè khúc bạch ngay sau đây!
1. Chuẩn bị nguyên liệu
Hãy tới ngay các cửa hàng hoặc những chợ hay cửa hàng nguyên liệu làm bánh chuyên dụng gần nhất để có thể mua được những nguyên liệu dễ tìm sau đây:
Nguyên liệu nấu chè khúc bạch:
– Sữa tươi 250ml (có thể có đường hoặc không đường đều được)
– 250ml kem sữa tươi whipping cream (kem sữa tươi dạng lỏng, dùng để nấu ăn)
– 15 gam gelatin dạng bột ( được nấu từ da động vật và xương)
– 150 gam đường phèn hoặc đường cát trắng
– 2 gam bột trà xanh + 250ml nước
– 20 gam hạnh nhân và nhãn hoặc vải tùy thích, táo…
– 6 Lá dứa (lá nếp)
Lưu ý:
– Bột gelatin và bột rau câu khác nhau, được chiết xuất từ những nguồn gốc khác nhau. Vì vậy không nên dùng bột rau câu thay thế cho bột gelatin.
– Lượng gelatin có thể tăng lên nếu thích ăn thạch có độ cứng vừa phải nếu thích ăn thạch mềm hãy giảm xuống một nửa (10 gam), nếu dùng quá nhiều sẽ khiến thạch có mùi của gelatin.
– Nên dùng đường phèn để món chè có độ ngọt dịu không quá gắt. Những nguyên liệu như hạt é nếu thích có thể cho thêm.
2. Cách nấu chè khúc bạch đơn giản nhất:
Nấu chè khúc bạch cũng không quá phức tạp như các bạn nghĩ, với các bước như sau.
Bước 1: Làm thạch kem sữa
Lấy 150ml sữa tươi hòa tan cùng với 15 gam bột gelatin để trong 15 phút cho bột nở đều. Đổ sữa tươi và kem sữa tươi whipping cream vào bát lớn, thêm 50g – 60g đường vào khuấy tan. Chia hỗn hợp thành 2 bát đều nhau:
– Bát 1 làm thạch màu trắng
Đun sôi nồi hấp cách thủy, hạ lửa nhỏ và cho hỗn hợp vào nồi vừa đun vừa khuấy đều hỗn hợp. Chờ hỗn hợp nóng lên thì cho một nửa bát gelatin vào, khuấy đều cho tan hết.
Dùng khuôn lót 1 lớp màng bọc thực phẩm vào bên trong. Đổ hỗn hợp thạch vừa được hấp cách thủy qua một cái rây lọc để loại đi các cục vón hay bọt sữa để hỗn hợp được mịn hơn. Cất hỗn hợp sữa trắng vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng chờ hỗn hợp đông lại.
– Bát 2 làm thạch màu xanh:
Hỗn hợp sữa còn lại thì hấp cách thuỷ, hỗn hợp vừa nóng lên thì cho nốt gelatin vào khuấy tan. Hòa tan bột trà xanh với nước, cho thêm một chút hỗn hợp sữa nóng khuấy đều hòa tan bột trà. Ta sẽ có hỗn hợp màu xanh của trà pha với sữa. Cho hỗn hợp qua rây lọc hết các cặn chất xơ, cất vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng chờ đông.
Lưu ý:
– Thạch để ở ngăn mát càng lâu thì sẽ càng dai và chắc hơn.
– Dùng rây lọc hỗn hợp có tác dụng loại bỏ hết những cặn chưa tan hết, để hỗn hợp mịn hơn.
– Các bạn cũng có thể không nấu cách thủy mà đổ sữa vào đun thẳng. Tuy nhiên theo chúng tôi nấu cách thủy sẽ giúp sữa không bị sôi mất hết chất.
– Nếu các bạn muốn có một cốc chè khúc bạch màu sắc hơn, hương vị hơn thì có thể sử dụng siro dâu và bột cacao. Sẽ cho ra các nhiều loại thạch hơn, có màu sắc đẹp mắt và hương thơm dịu nhẹ. Cách làm cũng tương tự như làm phần thạch màu mà chúng tôi hướng dẫn ở trên.
Bước 2: Nấu nước đường (Chuẩn bị tối thiểu trước 3 giờ)
Nấu nước đường với đường phèn và lá dứa
– Cho 1 lít nước cùng với 80g – 90g đường phèn vào nồi. Đun sôi, khuấy đều tay cho tan hết đường.
– Lá dứa rửa sạch, cuộn lại, nước đường vừa sôi thì thả vào và nhắc ra ngay.
Lưu ý: Lá dứa có thể đun với nước đường thì sẽ tạo mùi thơm hơn, nhưng nước lại có màu xanh nhạt từ lá dứa.
Bước 3: Làm long nhãn và hạnh nhân (nên chuẩn bị trước 30 phút)
– Hạnh nhân rang nhỏ lửa cho tới khi hạt vàng đều là được.
– Nếu là nhãn tươi: Tách riêng hạt và cùi, rửa qua với nước. Cho cùi nhãn vào luộc với nồi nước đường để được nhãn có màu trắng đục và nước đường thơm mùi nhãn. Sau cùng sẽ cho lá dứa vào để tạo mùi thơm.
– Nếu làm nhãn hộp: Lọc tách nhãn ra, phần nước ngâm nhãn cho vào nồi nước đường lá dứa để dậy mùi hơn.
– Lấy thạch cắt ra thành từng miếng nhỏ vừa ăn, hoặc cho vào khuôn tạo hình tùy ý.
Bước 4: Hoàn thành
Cho thạch, long nhãn đã nấu vào bát, chan thêm nước đường và rải hạnh nhân lên trên. Nếu thích dùng hạt é và các loại trái cây như dâu tây, xoài, dưa hấu hay các loại hoa quả khác thì có thể thêm vào cho chè có nhiều màu sắc.
Như vậy là bạn đã hoàn thành xong món chè khúc bạch thơm ngon với hương vị thanh mát, thạch dẻo, dai, nhãn thơm nồng, nước đường ngọt dịu.
3. Thay thế nguyên liệu trong chè khúc bạch
Khi nấu chè khúc bạch, có rất nhiều nguyên liệu có thể cho thêm hoặc thay thế theo nhu cầu và khẩu vị của từng người, tiện hơn cho người thực hiện.
Những nguyên liệu có thể thay thế như sau:
– Kem tươi whipping cream không nên thay bằng kem topping vì loại này không có mùi thơm. Các bạn có thể thay thế bằng sữa đặc ông thọ nhưng sẽ bỏ ít đường để tránh quá ngọt. Thạch dùng sữa đặc để làm sẽ có độ ngậy hơn so với khi dùng kem tươi.
– Thay bột rau câu có thể sẽ mất đi nét đặc trưng của chè khúc bạch. Gelatin có thể thay bằng bột rau câu. Nhưng vì bột rau câu quá cứng và giòn, mà gelatin thì cho thạch dẻo và dai, mềm.
4. Bí quyết làm chè khúc bạch ngon như ngoài quán
Sau đây là một số bí quyết được bí mật chia sẻ bởi các quán chè nổi tiếng:
– Khi đun cách thủy phần hỗn hợp sữa, các bạn cần hạ nhỏ lửa để hỗn hợp không quá nóng. Vì quá nóng hỗn hợp sẽ rất khó đông.
– Bạn nên nấu cách thủy tốt hơn, giữ được hương thơm vị ngậy, béo của sữa hơn so với nấu trực tiếp.
– Đường phèn sẽ có vị thanh mát hơn đường cát trắng, và đây là bí quyết để nước đường của bạn có vị ngọt dịu, ăn mát hơn.
– Thạch để càng lâu sẽ càng ngon, nhưng khuyến cáo không nên để quá 4 ngày. Ăn tới đâu thì trộn đến đó, không nên hoàn thiện chè ra thành bát rồi cất tủ lạnh sẽ khiến hương vị chè không còn “tươi” ngon.
– Chè khúc bạch sẽ đặc biệt giữ nguyên hương vị nếu không thêm đá viên vào. Các bạn nên cho vào hộp bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh và dùng lạnh rất ngon.
Hy vọng với những bí quyết chúng tôi chia sẻ với bạn về cách làm chè khúc bạch qua bài viết trên sẽ giúp bạn nấu thành công món chè của mình. Chúc bạn và gia đình có những bữa ăn thật ngon!