4 món cuốn được ưa chuộng nhất Sài Gòn
Gỏi cuốn, bò bía, bánh tráng Trảng Bảng vừa dân dã vừa quen thuộc là các món cuốn được người Sài Gòn vô cùng ưa chuộng.
1. Gỏi cuốn
Đây là món ăn vặt vô cùng phổ biến của người dân Sài Gòn, đến nỗi bạn có thể tìm mua nó ở bất cứ chợ hay khu ăn vặt vỉa hè nào. Nguyên liệu của gỏi cuốn gồm thịt nạc, thịt ba chỉ, tôm luộc, tai heo… mỗi loại mỗi vị ngon riêng và rất dễ kết hợp với nhau. Gỏi cuốn ngon phải dùng bánh tráng gạo mỏng, dẻo, bún và rau sống phải tươi, mới. Các nguyên liệu khác như thịt nạc hay tôm cũng phải tươi, luộc vừa chín tới, ăn có vị ngọt; lỗ tai heo khi ăn phải có độ giòn. Tùy vào độ “chất” của thịt cuốn bên trong, mỗi cuốn gỏi thường có giá từ 5.000 – 10.000 đồng.
Một cuốn gỏi cuốn ngon, không phải là phải thật to hay nhiều thịt tôm, mà là cân bằng các nguyên liệu và vừa miệng. Phần nước chấm cũng là yếu tố rất quan trọng quyết định độ ngon của món ăn. Gỏi cuốn thường ăn kèm với tương hoặc mắm nêm. Nếu là mắm nêm, phải pha với khóm (dứa) bằm nhuyễn và đường sao cho vừa vị chua ngọt, lại không quá mặn, để chấm cuốn gỏi nhai tới đâu thì mặn mòi bắt miệng tới đó. Nếu dùng tương, thì tương phải khuấy cho sánh đặc vừa đủ, đậu phộng phải đủ nhiều để đảm bảo độ béo. Tương pha xong có màu nâu cánh gián, vị ngọt nhiều hơn mặn, góp phần đưa đẩy gỏi thêm hấp dẫn.
2. Bò bía
Bò bía của Sài Gòn chủ yếu là bò bía mặn. Món ăn này được bán nhiều ở các khu ăn vặt gần trường học, trong đó nổi tiếng nhất là bò bía ở khu đại học Sài Gòn – đại học Sư Phạm, quận 5. Cuốn bò bía thường nhỏ và ngắn, chỉ khoảng hai ngón tay chặp lại với phần nhân là củ sắn hấp chín, lạp xưởng, ruốc, xà lách… Mỗi cuốn gỏi có giá từ 2.000 – 5.000 đồng nghìn. Bò bía chỉ ăn kèm với tương. Tương được pha mặn ngọt vừa đủ, gắp thêm đũa củ cải ngâm chua, rắc nhiều đậu phộng, hành phi, thêm miếng ớt xay tạo nên đủ vị mặn – ngọt – chua – cay – béo – bùi rất thú vị.
Bò bía là món ăn vặt mà học sinh – sinh viên nào cũng thích, cũng mê vì dễ ăn lại ăn rất chóng thèm. Ngoài bò bía mặn, Sài Gòn cũng có bò bía ngọt Bò bía ngọt có lớp lá ngoài làm từ bột đậu xanh, phần nhân là dừa nạo, kẹo đường và mè đen. Món này đa số bán trên xe đẩy, chạy khắp nơi trong thành phố.
3. Bánh xèo – bánh khọt
Tuy thuộc họ “bánh”, nhưng bánh xèo – bánh khọt vẫn là món ăn dạng cuốn rất hấp dẫn trong thực đơn của người Sài Gòn. Vốn nhiều dầu mỡ và chế biến kiểu chiên rán, ngoài lớp bột có nước cốt dừa, còn nào là thịt ba chỉ, tôm… nên 2 món bánh này thường được ăn kèm rau sống để trung hòa, giảm ngấy tốt cho món ăn này.
Cuốn bánh xèo – bánh khọt thường được dùng với lá rau xà lách hay lá rau cải bẹ xanh và nhiều loại rau khác để đưa đẩy. Bánh xèo, bánh khọt ngon nhất với những cuốn bánh to, nhiều rau. Với nhiều người, ăn 2 loại bánh này mà ý tứ, khép nép chỉ làm mất đi vị ngon của món. Cầm một cuốn bánh to, nóng hổi chấm với nước mắm pha ngon bạn sẽ cảm nhận được vị béo bùi của bánh, vị thanh của rau. Giá một phần bánh xèo – bánh khọt thông thường chỉ dao động từ khoảng 30.000đ tùy chất lượng.
4. Bánh tráng Trảng Bàng
Là đặc sản của Tây Ninh nhưng bánh tráng Trảng Bàng lại được lòng của dân cư tứ xứ miền Nam. Cái ngon và lạ của món ăn này nằm ở phần bánh tráng. Bánh tráng được dùng là bánh tráng phơi sương, dày và xốp, dai, dễ cuốn hơn hẳn bánh tráng bột gạo thông thường. Món ăn tuy đơn giản chỉ cuốn với thịt ba chỉ hay thịt chân giò luộc, nhưng điểm quyến rũ chính nằm ở các loại rau đi kèm. Ăn bánh tráng Trảng Bàng nhất định phải ăn rau rừng. Có các loại rau ăn kèm tuy lạ nhưng lại chính là gia vị ngon đặc trưng của món ăn này.
Một cuốn bánh tráng thường khá to vì ngoài thịt luộc, khế chua, chuối chát còn có rất nhiều loại rau. Bánh tráng Trảng Bảng có thể chấm với nước mắm pha đặc trưng hoặc mắm nêm. Nếu đã một lần nếm thử, bạn sẽ không thể quên được món ăn đậm chất sông nước phương Nam này.