Cẩn thận nhiễm độc thủy ngân khi ăn cá
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm thủy ngân có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển não và hệ thần kinh của thai nhi.
Nhiều người thường xuyên ăn cá có nồng độ thủy ngân vượt mức cho phép
Tại Mỹ, EWG (Nhóm Công tác Môi trường) đang thúc giục chính phủ thắt chặt hơn khuyến nghị về các loại cá mà phụ nữ mang thai nên ăn, xuất phát từ lo ngại nhiễm độc thủy ngân – theo một nghiên cứu mới đây của chính EWG.
Trước đó, trong dự thảo khuyến nghị năm 2014 của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) và EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ), phụ nữ dự định có thai, đang có thai hay cho con bú nên ăn 2-3 bữa cá (226-340g) mỗi tuần, và phải là loại có hàm lượng thủy ngân thấp.
Cũng theo dự thảo này, các loại cá có hàm lượng thủy ngân phù hợp nên ăn là cá hồi, tôm, cá minh thái (cá Pollock), cá ngừ đóng hộp, cá rô phi, cá trê và cá tuyết.
Cá hồi
Các loại cá nên tránh là cá đổng quéo (tilefish), cá mập, cá kiếm và cá thu vua. Các hướng dẫn khuyên giới hạn cá ngừ trắng là 170g/tuần.
Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của EWG lại cho thấy hướng dẫn nêu trên vẫn chưa cụ thể, hậu quả là nhiều phụ nữ ăn quá nhiều những loại cá không nên ăn, đặc biệt là một số loại cá ngừ khác.
Cá ngừ đóng hộp từng được khuyến khích ăn, nhưng nghiên cứu mới đây của EWG khuyên không nên ăn nhiều.
EWG đã tiến hành lấy mẫu tóc của 254 phụ nữ trong độ tuổi mang thai từ 40 bang khác nhau, những người ăn cá hơn mức khuyến nghị của chính phủ (hơn nhiều hoặc hơn ít) trong vòng 2 tháng.
Kết quả cho thấy tới 29% trong số này có nồng độ thủy ngân trong cơ thể vượt quá ngưỡng an toàn của EPA là 1 phần triệu (1 ppm).
Theo quan điểm của EWG, giới hạn nồng độ thuỷ ngân nên ở mức 0.58 ppm.
Ông Philippe Grandjean, Giáo sư kiêm nhiệm tại trường Harvard T.H.Chan, người đã tiến hành kiểm tra và phân tích mẫu tóc trong nghiên cứu của EWG cho biết 60% số người tham gia nghiên cứu có hàm lượng thủy ngân vượt qua mức 0.58 ppm này.
Cũng theo Giáo sư Grandjean, ngưỡng 1 ppm được đưa ra là dựa trên các nghiên cứu từ năm 2000. Vào năm 2007, nghiên cứu cho thấy mức hợp lý phải là 0.58 ppm.
Nghiên cứu cho thấy nồng độ thủy ngân trong cơ thể những phụ nữ thường xuyên ăn cá cao hơn 11 lần những phụ nữ ít ăn.
Mặc dù những người tham gia nghiên cứu ăn lượng cá gấp 2 lần mức bình quân của người Mỹ, thì 60% nói trên đã không nhận được lợi ích từ axit omega-3 khi ăn cá.
Ông Grandjean cho rằng: “Đây là kết quả thực sự đáng buồn. Nó có nghĩa những phụ nữ đó đã ăn sai loại cá nên ăn, mà lại nghĩ rằng mình đang có chế độ ăn cân bằng và tốt cho sức khoẻ.”
Tác giả nghiên cứu trên là cô Sonya Lunder, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của EWG. Lunder có rất nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu chất độc có trong thực phẩm, nước, không khí, hàng tiêu dùng.
Cô cho biết: “Cả chục năm nay tôi đã theo đuổi vấn đề này và thực sự ngạc nhiên khi xem kết quả số người có nồng độ thủy ngân vượt ngưỡng an toàn của EPA.
Tôi cũng muốn nói rõ là chúng tôi ủng hộ ý tưởng lựa chọn hải sản khi mang thai, để bổ sung nguồn Omega-3 giúp tăng cường sức khoẻ của mẹ và thai nhi.
Chúng tôi muốn khuyến khích mọi người ăn hải sản, nhưng khi quyết định như vậy, mọi người cần chú ý tới thông tin thủy ngân trong cá, để không có lựa chọn sai lầm, dẫn tới lợi ích thì ít mà hậu quả thì nhiều”.
Cho đến lúc này, FDA và EPA đang trong quá trình rà soát lại khuyến nghị của mình.
Thủy ngân và tác hại
Thuỷ ngân là kim loại có tự nhiên trong môi trường. Các hoạt động của con người như làm nông, đốt than, sử dụng thuỷ ngân trong sản xuất tăng cường vòng tuần hoàn của thủy ngân qua không khí, nước, đất.
Trong nước, thuỷ ngân biến thành methylmercury. Cá hấp thu dạng thuỷ ngân này. Khi bạn ăn cá chứa thuỷ ngân, bạn cũng sẽ hấp thu thủy ngân.
Gần như tất cả các loài cá đều có thủy ngân. Nhưng ở mức độ khác nhau. Ăn nhiều những loài cá chứa hàm lượng cao thuỷ ngân dẫn tới hàm lượng thủy ngân trong cơ thể tăng cao.
Theo Giáo sư Grandjean: “Khi ăn hải sản vào thời kỳ mang thai, bạn hy vọng cung cấp omega-3 cho cơ thể nhưng bạn còn có rủi ro nhiễm độc từ thủy ngân nữa.”
Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), phụ nữ mang thai nếu bị nhiễm thuỷ ngân có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển não và hệ thần kinh của thai nhi, và gây ra hậu quả cả đời là suy giảm khả năng học, ghi nhớ, vận động.
Kể cả với phụ nữ không mang thai và đàn ông thì thuỷ ngân cũng đầu độc hệ thần kinh, tiêu hoá và miễn dịch, phổi, thận, da và mắt.
Những người tham gia nghiên cứu trên đây cho biết họ ăn nhiều cá ngừ và một số loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cao.
Cá ngừ là nguyên nhân của 40% lượng thuỷ ngân đưa vào cơ thể (nhưng FDA và EPA đã không đưa ra khuyến cáo không ăn cá ngừ đối với phụ nữ mang thai).
Những ai phải đặc biệt chú ý khi ăn cá
– Phụ nữ dự định mang thai
– Phụ nữ đang mang thai
– Phụ nữ đang cho con bú
– Trẻ em
Nên ăn cá gì?
Chuyên gia về chế độ ăn và dinh dưỡng Lisa Drayer cũng cùng quan điểm với EWG đó là chính phủ Mỹ nên xem xét lại khuyến nghị về cá, nên hạn chế cá ngừ và tăng cá hồi tự nhiên.
Lisa khuyến khích mọi người ăn các loại cá ít thuỷ ngân, nhiều omega-3 như cá cơm, cá trích, cá hồi hoa, cá mòi.
Theo các nghiên cứu trước đây, cá hồi tự nhiên là nguồn cung cấp axit omega-3, rất quan trọng cho sự tăng trưởng của thai nhi và đóng vai trò chính để phát triển não và mắt.
Lisa có lời khuyên cho những phụ nữ mang thai: “Bạn có thể ăn nhiều cá nhưng phải cẩn thận. Lời khuyên của tôi là tránh cá ngừ. Mang thai không phải là mãi mãi. Trong cả cuộc đời, 9 tháng là sự hy sinh nhỏ bé để giúp thai nhi phát triển”.
Karen Grote, một người tham gia nghiên cứu đặc biệt hiểu điều này. Cô đã có thai 2 tháng sau khi nhận được kết quả nồng độ thuỷ ngân của mình cao hơn mức an toàn.
Và sau khi biết điều đó, Karen đã thay đổi chế độ ăn, cô nói: “Tôi đã không biết mức độ quan trọng của loại hải sản mình đang ăn.
Tôi ăn nhiều cá ngừ, nhưng đến giờ thì tôi ngưng. Tôi đã không hề nghĩ tới cá ngừ là nguyên nhân khiến lương thuỷ ngân trong cơ thể cao như vậy”.
Theo Soha