Bún măng vịt thơm ngon cho ngày nóng
Bún măng vịt nóng hổi thơm ngon với thịt vịt thật mềm ngọt và những miếng măng chua chua ăn kèm khiến bạn ăn nhiều mà không chán. Thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị). Nó còn mang lại ích lợi cho những người có cơ thể suy nhược chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít…Hãy cùng Monanngon.vn vào bếp học nấu món bún măng vịt này nhé.
Bún măng vịt là món ăn yêu thích của nhiều gia đình, đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng thì những tô bún măng vịt giúp cả nhà đổi vị cho bữa trưa dễ ăn, mát ngọt lại đủ chất dinh dưỡng.
Nguyên liệu chuẩn bị:
Để nấu món búng măng vịt cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
– 1 con vịt làm sẵn
– Tiết vịt
– 500 gr măng
– Rau răm, giá, gừng, muối, đường, hành phi, hành lá.
– Bún tươi
– Rau sống ăn kèm
Cách nấu bún măng vịt:
Bước 1: Vịt rửa sạch với nước muối có pha chút chanh, sau đó đập dập củ gừng chà sát lên mình vịt, rồi rửa qua nước lạnh, đề ráo.
Bước 2: Nấu 1 nồi nước với 1 muỗng cà phê muối, nước sôi cho măng vào luộc khoảng 40 phút với lửa vừa. Sau đó đổ ra rổ, xả qua nước lạnh thật sạch rồi để ráo.
Bước 3: Nấu 1 nồi nước cho vịt vào luộc cùng với 1 củ gừng chẻ đôi, 1 củ hành tây chẻ đôi, một ít hành lá, 1 muỗng cà phê muối, các gia vị này sẽ giúp vịt thơm ngon hơn khi luộc. Khi nước sôi bạn nhớ hớt bớt bọt và mỡ để nước dùng được trong và thanh ngọt nhé.
Bước 4: Luộc vịt khoảng 20-30 phút, dùng đũi xiên vào đùi vịt nếu nước chảy ra không còn màu đỏ thì vịt đã chín. Vớt vịt ra chần sơ qua nước lạnh cho da vịt giòn không bị thâm đen. Nếu thấy nước đỏ chảy ra là vịt chưa chin, bạn để vịt luộc thêm ít phút nữa. Chặt vịt từng miếng vừa ăn, xếp ra đĩa. Phần tiết cũng luộc chín và cắt miếng vừa ăn.
Bước 5: Bắc chảo lên bếp cho vào 1 muỗng canh dầu phi tỏi hành cho thơm, cho măng vào xào cùng với ½ muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột nêm, 2 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng cà phê đường. Xào cho măng ngấm đều gia vị rồi cho măng vào nồi nước luộc vịt, đảo nhẹ, cho thêm tiết vịt đã cắt miếng và ½ phần đầu hành còn lại vào. Nấu sôi hỗn hợp nước dùng, nêm nếm lại một lần nữa là xong. Bạn vẫn tiếp tục nấu liu riu để giữ nóng nước dùng nhé.
Bước 6: Pha nước chấm: 2 muỗng cà phê đường, 4 muỗng cà phê gừng giã nhuyễn, 3 muỗng cà phê nước mắm, 1muỗng cà phê ớt băm trộn đều. Tuỳ theo khẩu vị của gia đình mà bạn có thể tăng hoặc giảm nguyên liệu.
Trình bày: Cho bún vào tô, múc nước dùng cùng vịt măng ra bát đã xếp sẵn bún. Rắc hành lá, rau răm, mùi tàu cắt nhỏ lên, thêm hành củ đã chần qua, vắt thêm tí chanh tươi, ăn kèm với rau sống và nước mắm gừng.
Món bún măng vịt đạt chuẩn phải là tô bún vịt nóng hổi, được trình bày một cách ngon mắt. Nước bún trong, vị ngọt thanh hấp dẫn, thơm mùi gừng và có bị hơi béo của nước luộc vịt; măng tươi giòn ngọt tự nhiên; thịt vịt dai ngọt, màu sắc bắt mắt; rau sống giòn tươi, nước mắm gừng đậm đà. Tất cả tạo nên một món ăn hài hòa về cả màu sắc lẫn hương vị khiến người ăn nhớ mãi không quên.
Lưu ý:
– Chọn thịt vịt: Đối với món vịt xáo măng thì bạn tốt nhất nên chọn vịt đực có thớ thịt dày, thơm và ngọt.
– Chọn măng tươi: Măng tươi là măng có hình thô, măng thẳng không quá non hay quá già. Nên chọn măng có lớp vỏ mỏng, giòn, không có mùi hôi.
Với nguyên liệu thịt vịt bạn có thể nấu nhiều món ăn ngon khác như: Vịt nhồi táo nướng, Lẩu vịt, vịt giả cầy, vịt nấu chao…
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với món bún măng vịt này nhé!